Trandinhbich - Gốc rễ của sự sụp đổ
Thế giới vận động biến đổi và phát triển liên tục, bất tận. Heracờlít, một triết gia cổ đại Hy lạp đã từng chiêm nghiệm, rằng “không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông” và rằng “vũ trụ như một ngọn lửa, bùng cháy và tắt đi theo quy luật của riêng mình”.
Có thể nói đó là một trong những cảm thức sâu xa nhất và mơ hồ nhất mà trí tuệ nhân loại đã thức nhận được bằng trực quan cảm tính của mình cho đến khi Chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác ra đời, nhận thức ấy mới được chứng minh trong ánh sáng của nguyên lý phát triển.
Thế giới vận động biến đổi và phát triển liên tục, bất tận. Heracờlít, một triết gia cổ đại Hy lạp đã từng chiêm nghiệm, rằng “không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông” và rằng “vũ trụ như một ngọn lửa, bùng cháy và tắt đi theo quy luật của riêng mình”.
Có thể nói đó là một trong những cảm thức sâu xa nhất và mơ hồ nhất mà trí tuệ nhân loại đã thức nhận được bằng trực quan cảm tính của mình cho đến khi Chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác ra đời, nhận thức ấy mới được chứng minh trong ánh sáng của nguyên lý phát triển.
Nguyên lý về sự phát triển cho rằng thế giới vật chất biến đổi liên tục và bất tận theo những quy luật cơ bản của nó. Nghĩa là thế giới biến đổi trong tính tất yếu của nó, bởi biến đổi chính là cách thức mà nó, thế giới ấy, tồn tại. Vận động hiểu theo nghĩa chung nhất, tức được hiểu là phương thức tồn tại của vật chất, là thuộc tính cố hữu của vật chất, thì bao gồm mọi sự thay đổi và mọi quá trình diễn ra trong vũ trụ, kể từ sự thay đổi vị trí đơn giản đến tư duy (Ăngghen).
Nguyên lý về sự phát triển đã chỉ rõ, trong tất cả mọi sự vật hiện tượng đều chứa đựng những mặt đối lập. Sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập chính là nguồn gốc, là động lực cho mọi sự vận động và phát triển của thế giới.
Mặt đối lập là phạm trù dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính, quá trình có những đặc điểm, những thuộc tính, những tính quy định có khuynh hướng biến đổi trái ngược nhau, tồn tại một cách khách quan trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Hai mặt đối lập cùng tồn tại trong một sự vật, vừa thống nhất vừa đấu tranh với nhau thì tạo thành một mâu thuẫn biện chứng của sự vật đó.
Lịch sử nhân loại chẳng qua cũng chỉ là lịch sử của cuộc đấu tranh bất tận và những sự thống nhất tạm thời của các mặt đối lập trong xã hội con người, trong mối quan hệ không thể tách rời giữa con người và giới tự nhiên, những điều kiện tự nhiên cho cuộc sống của họ. Trong tính thực tiễn của nó, có thể nói không ngoa rằng lịch sử nhân loại chính là lịch sử của sản xuất và tiêu dùng, và dĩ nhiên là của trao đổi nữa.
Sản xuất và tiêu dùng là hai mặt đối lập trong hoạt động kinh tế của con người. Sản xuất là quá trình con người sử dụng công cụ lao động tác động vào tự nhiên và xã hội nhằm sản sinh ra những nguyên vật liệu cho đời sống như gạo, mì, ngô, ôtô, máy vi tính…Còn tiêu dùng là quá trình ngược lại sản xuất, trong đó con người tiêu hủy chính cái mà mình đã sản xuất ra. Dưới góc nhìn này, sản xuất là điểm xuất phát, tiêu dùng là điểm kết thúc của sản phẩm lao động. Một cái thì sản sinh ra vật phẩm còn cái kia thì phá hủy vật phẩm, đối lập nhau chan chát nhưng chúng thống nhất biện chứng với nhau trong chỉnh thể thống nhất của nền kinh tế. Không có sản xuất thì không có tiêu dùng và ngược lại; sản xuất ở quan hệ nhất định cũng chính là tiêu dùng, Mác gọi là tiêu dùng sản xuất. Để làm ra được một kg gạo, người nông dân phải tiêu dùng sức lao động của mình cùng với trí tuệ và lượng cảm xúc nhất định, anh ta tiêu dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu…để sản xuất kg gạo kia. Để làm ra được một cái máy vitinh, người công nhân phải sử dụng một lượng trí tuệ rất lớn của nhân loại cùng với một chút ít nguyên liệu vật chất như sắt thép, nhựa, đồng…Ở đây, sản xuất trực tiếp trở thành tiêu dùng và ngược lại, tiêu dùng trực tiếp trở thành sản xuất. Khi bạn ăn cơm được nấu từ gạo do người nông dân sản xuất ra, bạn đang tiêu dùng nhưng đồng thời bạn cũng đang sản xuất sức khỏe của mình. Khi bạn tiêu dùng cái máy vitinh, bạn đồng thời đang sản xuất một phần trí tuệ chính mình trong quan hệ với vô biên của trí tuệ nhân loại.
Trong sản xuất, con người làm ra thế giới như mình mong muốn, con người khách thể hóa chính mình. Ở địa vị ấy, người sản xuất hóa thân trở thành hình tượng của “Đấng sáng tạo”. Anh ta chuyển tất cả năng lực trí tuệ, đạo đức thẩm mỹ, nhân cách lối sống, niềm tin thầm kín…ra ngoài chính mình và đúc vào vật phẩm mà anh ta sản xuất. Anh ta tạo nên thế giới.
Trong tiêu dùng, con người bé nhỏ trở thành kẻ khổng lồ đích thực. Nhờ tiêu dùng điện thoại mà chúng ta có thể hiểu nhau dẫu cách xa hàng ngàn km, nhờ tiêu dùng máy bay mà chúng ta nâng mình lên ngang hàng với các vị thần trên đỉnh Ôlanhpơ, tha hồ bay lượn trên chín tầng mây. Sẽ thế nào nếu con người chỉ tiêu dùng cái tự nhiên mình có mà không tiêu dùng sản phẩm lao động của người khác? Nếu chỉ sử dụng đôi chân trần thịt của mình thì chúng ta không thể nhanh hơn một con linh dương, nếu chỉ dùng đôi mắt mình có thì chúng ta không thể tinh tường hơn đôi mắt của chim ưng. Con người phải sử dụng vật phẩm do lao động của người khác sản sinh ra, do vậy anh ta ngày càng trở thành vĩ đại. Con người tách mình ra khỏi tự nhiên bởi anh ta sản xuất và tiêu dùng.
Thế giới đang bị “kẹt” lại trong trạng thái nguy hiểm của khủng hoảng. Châu Âu đang hấp hối trước nợ công. Mỹ đang chìm đắm với hậu quả của cơn bão khủng hoảng tài chính. Trung Quốc thì đang phát triển bằng sự phá hoại điên cuồng môi trường tự nhiên. Toàn thế giới nhuốm một màu tiêu cực của sự suy thoái. Chưa bao giờ nền kinh tế tư bản đứng trên bờ vực của sự sụp đổ như hiện nay. Lời giải cho nền văn minh tư bản dứt khoát nằm trong vấn đề cốt lõi của lịch sử nhân loại: vấn đề sản xuất và tiêu dùng. Nền kinh tế tư bản là nền kinh tế sản xuất điên cuồng và tiêu dùng mù quáng. Trong nền kinh tế ấy, chúng ta phá hoại trong sản xuất: phá hoại môi trường sống để thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận vô lối. Trong nền kinh tế ấy, chúng ta tiêu dùng điên rồ: tiêu dùng vượt quá nhiều những gì ta thực sự cần. Và chúng ta đang đối diện với hệ quả tất yếu của lối sản xuất – tiêu dùng ấy: sự phá sản hàng loạt của những gia đình, của các công ty, ngân hàng, quốc gia, sự phá sản đến tận gốc rễ niềm tin và đạo đức, văn hóa và lối sống, bình yên và hy vọng…
Chúng ta có thể kích thích nền kinh tế bằng cách kích thích tiêu dùng. Các quốc gia liên tục ném những khoản tiền khổng lồ vào thị trường nhằm kích thích tiêu dùng sản xuất. Nhưng dưới góc nhìn của tôi, đó chẳng khác gì là hành động dùng ma túy để chống lại cảm giác cô đơn. Và nỗi cô đơn ngày càng khủng khiếp hơn sau mỗi lần dùng ma túy.
Cần phải sản xuất thông minh, sản xuất thân thiện với môi trường sống và tiêu dùng điều độ, tiêu dùng đạo đức. Đó mới là con đường tránh khỏi họa diệt vong cho nhân loại. Nhưng tôi không chắc ai cũng nghĩ như mình.