VĂN HÓA ỨNG XỬ “NGANG NHƯ CUA” CỦA NGƯỜI VIỆT TA
Trần Đình Bích. 13.8.2009
Nhiều người cho rằng người Việt ta có nhiều ưu điểm như thông minh, nhanh nhẹn, siêng năng cần mẫn, chịu khó chịu thương, đoàn kết, lạc quan….và cộng thêm một vài đặc điểm hạn chế như nông nổi, tùy tiện, ngang ngạnh, bảo thủ, thiếu chiều sâu trong suy tư, thiếu chiến lược trong hành động… Trong đó nhiều người đồng ý rằng “ngang như cua” là một “đặc sản” nổi bật của dân ta. Bài viết chia sẻ cùng bạn đọc một vài ý cơ bản về khía cạnh văn hóa nổi bật này.
Văn hóa là gì? Đây là câu hỏi rất khó trả lời chính xác bởi có quá nhiều quan điểm khác nhau cùng xem xét khái niệm này. Mỗi một khoa học xã hội đều có quyền xem xét văn hóa dưới góc nhìn của khoa học ấy. Mỗi một trường phái triết học cũng có thể đánh giá văn hóa tùy theo xuất phát thế giới quan và phương pháp luận của mình.
Trong các định nghĩa về văn hóa, chúng ta đều dễ nhận thấy định nghĩa của Hồ Chí Minh là một định nghĩa có độ bao quát rất cao, xuất phát từ quan điểm triết học duy vật biện chứng, do vậy tôi nhận lấy làm định nghĩa xuất phát cho bài viết của mình.
Hồ Chí Minh cho rằng "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn.". (TĐB nhấn mạnh)
Như vậy, ta thấy, đối với Hồ Chí Minh, văn hóa là sản phẩm của “sự sinh tồn” của đời sống con người. Không có “sự sinh tồn” ấy thì không có văn hóa, nghĩa là nếu con người không lao động để sinh tồn thì không thể có đời sống văn hóa phong phú và đẹp đẽ ấy.
Văn hóa là sản phẩm của quá trình lao động tạo ra của cải vật chất của con người, văn hóa cũng chính là quá trình lao động ấy. Như vậy, nội hàm văn hóa như tôi có thể hiểu, là toàn bộ thực tiễn của xã hội loài người. Các đặc điểm khác biệt của văn hóa giữa các dân tộc, vùng miền khác nhau bị quy định bởi sự khác nhau trong phương thức sản xuất. Và sự khác nhau của các nền văn hóa ấy cũng quy định sự tác động trở lại khác nhau từ văn hóa đến đời sống của con người các dân tộc khác nhau.
Việt Nam là một dân tộc có truyền thống văn hóa lâu đời. Phương thức sản xuất của người Việt chủ yếu là phương thức sản xuất lúa nước trình độ thấp – cày ruộng nhờ trâu, cấy lúa nhờ tay, lấy nước vào ruộng nhờ gầu dai gầu sòng. Đây chính là đặc điểm quan trọng nhất, là yếu tố quyết định những đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt, ví dụ: vì năng lực sản xuất thấp nên người Việt thích và buộc phải sống co cụm trong các làng xã, không thích và sợ phải phiêu lưu ở xứ người – lâu dần hình thành nét văn hóa “đất lề quê thói”, “ta về ta tắm ao ta”, “cáo chết ba năm quay đầu về núi”, kiêng sợ “chết đường chết chợ”, có tâm lý bài những người “ngụ cư”….Bên cạnh những nét văn hóa hạn chế có phần tiêu cực thì người Việt cũng có nhiều nét văn hóa tuyệt vời như: tính cộng sinh cao, tính đoàn kết lớn, “một cây làm chẳng nên non, một bông lúa chín chẳng nên mùa màng, một người đâu phải nhân gian…”, “bán chị em xa mua láng giềng gần”………
Một trong những nét văn hóa hạn chế của người Việt chính là lối sống và lối suy nghĩ tùy tiện, tính chiến lược trong hành động không cao, suy nghĩ không dài lâu, nóng vội, tự cho “mình là nhất” – “ở nhà nhất mẹ nhì con”, từ đây quy định tâm lý “cua bò ngang” trong ứng xử quan hệ xã hội. Người Việt sống nhiều đời trong làng xã, thậm chí có nhiều và rất nhiều làng tập trung một vài dòng họ mà thôi. Các dòng họ này cạnh tranh với nhau chủ yếu trong các "mặt trận" không liên quan gì đến sản xuất xã hội. (Bởi hạn chế về phương thức sản xuất có tính truyền thống và cơ cấu tổ chức làng xã nên vấn đề "làm thế nào để thay đổi phương thức sản xuất và phương thức tổ chức xã hội" không phải là vấn đề người Việt ta bận tâm suy nghĩ hàng ngày. Người Việt thường nghĩ rằng cha ông ta đã làm như vậy, ta cũng sẽ làm như vậy, thay đổi đi đồng nghĩa với "mất gốc", "vong bản"). Nói cạnh tranh giữa các dòng họ là nói theo nghĩa trung lập, nói như bà con Việt - làng - xã vẫn nói với nhau thì phải dùng thuật ngữ "chuẩn không cần chỉnh" là "kèn cựa". (Nhà văn Nam Cao đã mô tả rất thực trong một loạt truyện ngắn của mình, các bạn nên tìm đọc để hiểu thêm). Dù người đối diện nghĩ đúng/nói đúng/làm đúng thì người nghe/nhìn vẫn xuất phát từ mối quan hệ "phe/cánh", "dòng/họ" để chấp nhận hay bác bỏ, thậm chí nhiều trường hợp chấp nhận mù quáng và bác bỏ vô lối. Nếu người nghĩ/nói/làm là thuộc về "phe ta/cánh ta/họ ta" thì dù người đó có nghĩ/nói/làm trật lấc, người nghe cũng cố mà chấp nhận và bảo vệ, ngược lại, người nghĩ/nói/làm thuộc "phe khác/cánh khác/họ khác" thì dù người đó đúng mười mươi, người nghe cũng sẽ cố mà bác bẻ ít nhiều.
"Ngang như cua" là thuật ngữ phản ánh trong vấn đề thuần túy ngôn ngữ ứng xử. Tâm lý ứng xử "chiều ngang" còn phản ánh cả ở các hoạt động có tính cộng đồng cao của làng xã. Ra đình ngồi mâm là phải "ngang vai, ngang vế", ăn hỏi hay giỗ chạp cũng phải "ngang" tất, thậm chí bà con ta mời nhau uống bát nước chè cũng phải "ngang" thì mới được cất lời mời. Nếu nhờ người dưới vai mời thì người dưới vai khi chuyển lời cũng phải thác đúng lời của người trên nhờ, thế mới ngang vai. Tuổi thơ tôi sống chủ yếu trong các làng xã dù "phương thức sản xuất" của gia đình nhà tôi tuyệt nhiên chẳng dính gì đến "phương thức sản xuất" của làng. Nếu bố tôi rỗi rãi (thường là vào ngày chủ nhật) thì vào buổi chiều ông sẽ sai tôi nấu một ấm nước chè xanh thật đặc, rửa bộ bát uống nước thật sáng, quét nhà quét sân tinh tươm và khâu cuối cùng trước khi tôi được rong chơi đâu đó là làm đại sứ cho bố đi mời các ông, các bà, các bác, các chú thân hữu chòm xóm sang uống nước chè. Bố tôi thường dặn đi dặn lại tôi như thế này: "con sang mời ông/bà/bác/chú...sang uống nước chè mới. Con nhớ nói là "Bố cháu mời ông/bà/bác/chú/anh.." đấy nhé. ". Nếu lần nào vì vội đi chơi đáo chơi bi hay trốn tìm cùng lũ bạn mà tôi chuyển lời mời không đầy đủ như ông dặn là ông mắng tôi. "Con đâu có ngang vai đồng lứa với các ông bà chú bác ấy đâu mà láo lếu". Cũng chỉ vì tôi vội nên cắt mất cụm từ quan trọng: "Bố cháu mời". Mỗi lần như vậy bố tôi đều có lời xin lỗi với các vị chòm xóm, kết thúc câu xin lỗi bao giờ cũng là mệnh đề "nó có lớn mà không có khôn, xin ông bà xá cho". Nhiều người đồng ý rằng đây là nét đẹp trong xuất xử làng xã, tôi cũng không phản đối, tuy vậy, ở bài viết này tôi muốn cùng bạn đọc nhận chân cái nguồn cội vật chất của nó, xem xét thấy rằng cái nét đẹp ấy là hệ quả tất nhiên cũng như những nét xấu tất nhiên khác phát sinh ra từ trong tâm lý NGANG (phải ngang, nên ngang, cần ngang) của bà con Việt - làng - xã quê ta.
Nhận xét về nét văn hóa ứng xử “ngang như cua” không hoàn toàn đúng cho mọi vùng văn hóa Việt nhưng về cơ bản nhận xét trên là có cơ sở vật chất của nó. Cơ sở đó chính là phương thức sản xuất lúa nước trình độ thấp, sản xuất nông nghiệp dựa vào yếu tố tự nhiên là chính (trông trời trông đất trông mây, trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm…), từ đây sinh ra trạng thái tâm lý trông chờ mà ít đi nỗ lực suy tư có chiều sâu, cũng từ đây người Việt chuộng lối sống cộng cư làng xã, nảy sinh tâm lý địa phương chủ nghĩa, tâm lý “chân lý thuộc về số đông” mà không thuộc về lý luận khoa học, tâm lý “một miếng giữa làng hơn một sàng giữa chợ”, “hơn người (ngoài làng) một vạn không bằng thua bạn (cùng làng) một ly”, xuất xử dựa vào cảm tính chủ quan.
Tuy vậy, cùng với sự phát triển của đất nước, sự thay đổi trong phương thức sản xuất, trình độ văn hóa sản xuất của người Việt đang chuyển từ phương thức thấp lên một trình độ cao hơn – công nghiệp hóa, hiện đại hóa – thì những hạn chế về văn hóa ứng xử nêu trên như văn hóa “ngang như cua” sẽ dần dần không còn cơ sở tồn tại nữa. Người Việt đang nỗ lực bảo tồn những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc và do đó, loại bỏ những nét văn hóa hạn chế để xây dựng cho mình một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong tiến trình hội nhập văn hóa thế giới. Chỉ có thể nâng cao phương thức sản xuất và dứt khoát loại bỏ những hạn chế trong văn hóa như văn hóa ứng xử như cua bò ngang thì người Việt ta mới có thể hoàn thành di nguyện tâm huyết của Hồ Chí Minh là đưa nước ta “sánh vai các cường quốc năm châu”, thực hiện được khát vọng của toàn Đảng toàn dân là xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.