Subscribe:

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Viết tào lao về phát triển bền vững

Viết tào lao về phát triển bền vững



Nguyên lý phát triển là gì? Nguyên lý phát triển là một trong 2 nguyên lý của Triết học Mác, được phát biểu như sau : « Vận động (của thế giới) có thể diễn ra theo nhiều khuynh hướng khác nhau, còn phát triển là một khuynh hướng của sự vận động trong đó các sự vật, hiện tượng, quá trình nảy sinh những tính quy định mới về chất ».
          Phát triển bền vững là gì ? Là nguyên tắc cho rằng  muốn phát triển kinh tế - xã hội đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh thì không thể tăng trưởng bằng mọi giá, không phải phát triển bằng cách phá hoại môi trường, khai thác cạn kiệt tài nguyên, mà phải phát triển trên tính cân bằng giữa môi trường và tăng trưởng kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu hạnh phúc lâu dài của dân chúng.
Khái niệm phát triển bền vững : nguồn gốc và ý nghĩa
Vào đầu thập niên những năm 1970, sau một thời kỳ trong đó các nước trên thế giới thi đua công nghiệp hóa, khai thác tài nguyên, tìm kiếm thị trường, Câu lạc bộ La Mã (Club de Rome) đã đề nghị một hướng đi mới cho sự phát triển trước sự tăng trưởng kinh tế và dân số quá nhanh cùng với tình trạng thi đua sản xuất không giới hạn và khai thác vô ý thức các tài nguyên làm ô nhiễm môi trường, môi sinh và làm cạn kiệt dự trữ tài nguyên thiên nhiên trên thế giới. Câu lạc bộ La Mã đề nghị chính sách “không tăng trưởng” với lý do tăng trưởng kinh tế nghịch với bảo vệ môi trường môi sinh.
Vào đầu thập niên những năm 1980, Liên hiệp Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên là tổ chức đã đề khởi khái niệm phát triển bền vững (PTBV). Rồi năm 1987, khái niệm này đã được Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển do bà Gro Harlem Brundtland làm chủ tịch tiếp thu, khai triển và định nghĩa như sau:
“ Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn các yêu cầu hiện tại nhưng không tổn hại cho khả năng của các thế hệ tương lai để đáp ứng yêu cầu của chính họ” 
Luận thuyết PTBV đi từ nhận định rằng loài người không tôn trọng, không bảo toàn môi trường môi sinh. Thiên nhiên bị hư hại, hệ sinh thái mất cân bằng, di sản môi trường-môi sinh suy thoái khiến loài người bị đe dọa, tình trạng đói nghèo trên thế giới nghiêm trọng, chênh lệch giầu nghèo giữa các nước gia tăng. Tài nguyên thiên nhiên sút giảm và thiếu hụt. Vấn đề đặt ra là làm sao thỏa mãn yêu cầu căn bản của con người, bảo đảm tương lai và an sinh cho các thế hệ về sau và đồng thời bảo toàn môi trường-môi sinh. Phương cách giải quyết vấn đề này là “phát triển bền vững” (PTBV), phát triển tổng hợp, toàn bộ, về tất cả các phương diện môi trường, môi sinh, kinh tế, xã hội và chính trị bởi vì không thể có bền vững môi trường môi sinh nếu không có bền vững chính trị để bảo vệ hệ sinh thái. Cũng không thể có công bằng xã hội nếu không bảo đảm được sự bền vững và cân bằng sinh thái cần thiết để bảo đảm loài người sẽ tồn tại. Và cũng không thể chăm lo tăng trưởng kinh tế nếu sự tăng trưởng này làm hư hại môi trường-môi sinh, gây tai biến thiên nhiên mà hậu quả là có thể đưa loài người tới thảm họa.
PTBV bác bỏ các quan niệm thị trường tự điều hòa và quan niệm con người có nhu cầu mênh mông, không bao giờ hết, không cần định chừng mực. PTBV chống khuynh hướng tiêu dùng không giới hạn và chủ trương loài người phải xét lại quan niệm và các mẫu mực về an sinh, phúc lợi và chất lựợng của cuộc sống.
PTBV cho rằng vì sự chênh lệch giầu nghèo trên thế giới cho nên bắt buộc phải theo một hướng đi mới. Một mặt cần phải kìm giữ sử dụng tài nguyên, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và phá hủy môi sinh, giảm thiểu rác thải. Mặt khác, số dân đói nghèo trên thế giới có yêu cầu gia tăng tiêu dung và sản xuất để thỏa mãn các yêu cầu căn bản, bảo vệ và nâng cao nhân phẩm. Luận thuyết PTBV thừa nhận tăng trưởng kinh tế có tính cần thiết nhưng cũng xác định tăng trưởng chỉ là điều kiện cần (không phải là điều kiện đủ) cho phát triển. Như vậy có nghĩa tăng trưởng chỉ là phương tiện cho cứu cánh là PTBV.
Mục tiêu cuối cùng của PTBV là thỏa mãn yêu cầu căn bản của con người, cải thiện cuộc sống của tất cả và song song bảo toàn và quản lý hữu hiệu hệ sinh thái, bảo đảm tương lai ổn định. PTBV cho rằng cần phải hoạt động sản xuất có giới hạn, tiêu dùng và thụ hưởng có tiết kiệm, phân phối công bằng thu nhập, điều hòa dân số và nhân lực, bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu có khuynh hướng gia tăng nhanh với tài nguyên bị hạn chế. PTBV đề cao các gía trị nhân bản, tính công bằng trong sản xuất, tiêu dùng và thụ hưởng. Nó nhắm thực hiện và đảm bảo sự liên đới giữa các thế hệ, giữa các quốc gia, giữa hiện tại với tương lai.
Một chính sách phát triển bền vững thể hiện tính bền vững về các mặt xã hội, kinh tế, môi trường và chính trị :
• Về mặt xã hội, bền vững có nghĩa xã hội công bằng, cuộc sống an bình. Sự PTBV cần đề phòng tai biến, không để có người sống ngoài lề xã hội hoặc bị xã hội ruồng bỏ. Xã hội một nước không thể PTBV nếu có một tầng lớp xã hội đứng ngoài công cuộc xây dựng và mở mang quốc gia. Thế giới sẽ không có PTBV về mặt xã hội nếu cuộc sống hoặc tính mạng của một phần nhân loại bị đe dọa vì bệnh tật, đói nghèo, thiên tai, v.v. PTBV về mặt xã hội còn có nghĩa con người có môi trường sống hài hòa, công bằng và có an sinh.
• Về mặt kinh tế, PTBV về mặt kinh tế đối nghịch với gia tăng sản xuất không giới hạn, chinh phục thị trường bằng mọi cách, thương mại hóa bất cứ hàng hóa hoặc dịch vụ nào, tìm lợi nhuận tối đa trong mọi hoàn cảnh. PTBV kinh tế đòi hỏi phải cân nhắc ảnh hưởng bây giờ hay sau này của hoạt động và tăng trưởng sản xuất lên chất lượng cuộc sống, cứu xét xem có gì bị hư hại, bị phí phạm.
• PTBV về phương diện môi trường có nghĩa phải bảo vệ khả năng tái sinh của hệ sinh thái, nhịp độ gia tăng sử dụng tài nguyên có khả năng tái sinh phải thấp hơn tốc độ tái sinh, việc sử dụng tài nguyên không có khả năng tái sinh phải tùy thuộc khả năng sáng chế tư liệu thay thế. Sau cùng, mức độ ô nhiễm phải thấp hơn khả năng tái tạo của môi trường, môi sinh.
• Về phương diện chính trị, PTBV có nghĩa hết hợp và dung hòa các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường để hệ thống tổ chức và sinh hoạt chính trị không có căng thẳng, xáo trộn, có thể đi tới rối loạn hoặc đổ vỡ. Các định chế chính trị cần phải phải tôn trọng và bảo vệ công bằng, khuyến khích các đối tượng thụ hưởng đối thoại và tham gia trong tinh thần phù hợp với các nguyên tắc dân chủ tự do. Tính quan liêu và bàn giấy phải được xóa bỏ vì nó trói buộc con người, đè nén xã hội, cản trở mọi sự đổi thay, tiến bộ. Tôn trọng đạo lý cũng là một yêu cầu rất cần, gần như một bắt buộc.
Điều kiện của phát triển bền vững
Từ luận thuyết PTBV và những nguyên tắc định hướng, để kinh tế-xã hội phát triển một cách bền vững cần có một số điều kiện. Những điều kiện này nhiều khi không trùng hợp với nhau và cần phải dung hòa để tìm sự cân bằng và hợp lý : 
• Dân chủ : Chẳng hạn làm sao bảo đảm công bằng, đảm bảo các thế hệ tương lai có điều kiện để thỏa mãn yêu cầu phát triển về sau nếu các tổ chức và các hoạt động không có sự tham gia bằng tham khảo ý kiến, phát biểu lập trường, bày tỏ yêu cầu bởi tất cả các đối tượng thụ hưởng. Mỗi cá nhân có quyền và yêu cầu xây dựng một cuộc sống an lành, xung quanh có môi trường có chất lượng, có di sản sinh thái được bảo toàn. Quyền lợi cá nhân cần phải hòa hợp với ích lợi của tập thể trong tinh thần dân chủ tự do.
• Công bằng và bình đẳng : PTBV phụ thuộc rất nhiều vào sự công bằng và bình đẳng. Tùy mức độ của nó, khác biệt giầu nghèo giữa các tầng lớp dân chúng sẽ nhiều hay ít, các chương trình xóa đói giảm nghèo như do Ngân Hàng Thế Giới và Qũy Tiền Tệ Quốc Tế đề xướng sẽ đạt được thành công tới mức độ nào. Công bằng và bình đẳng ảnh hưởng khả năng và mức độ thỏa mãn yêu cầu của các thành phần xã hội. Tình trạng vay nợ và khả năng hoàn nợ của các nước chậm tiến tùy thuộc vào sự công bằng và bình đẳng trong quan hệ giữa các nước trên thế giới. Có thêm công bằng và bình đẳng thì các nước nghèo sẽ có điều kiện thuận lợi để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của sự chậm tiến và như vậy sẽ đóng góp thỏa đáng cho PTBV trong nước và trên thế giới.
• Tinh thần liên đới phụ thuộc lẫn nhau : PTBV của mỗi quốc gia và PTBV thế giới phụ thuộc lẫn nhau. PTBV của thế hệ về sau có liên hệ chặt chẽ với PTBV của thế hệ ngày nay. PTBV cá nhân cũng tùy thuộc PTBV quốc gia. PTBV thế giới liên hệ chặt chẽ với bảo vệ môi trường-môi sinh tại mỗi quốc gia. Cộng đồng thế giới và dân tộc mỗi nước có quyền lợi chung để phòng chống ô nhiễm, bảo toàn di sản sinh thái.
• Quyền tự quản, tự quyết : PTBV đòi hỏi phải thiết lập những quan hệ đối tác thực tiễn và hợp lý để song song tiến hành chiến lược chung về PTBV và thực hiện các kế hoạch quốc gia.
• Tinh thần trách nhiệm và gánh chịu : Chính sách và chương trình PTBV chờ đợi các đối tượng thụ hưởng thể hiện tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật tự giác, khả năng gánh chịu hậu quả nếu xẩy ra. PTBV còn đòi hỏi hành động phải có cân nhắc và cẩn trọng với mục đích chính là để tránh gây cho môi trường-môi sinh những hậu quả không đảo ngược được. PTBV còn một điều kiện nữa là khả năng kiểm tra kết quả hoạt động và phương tiện phòng ngừa và sửa chữa tai biến.
• Giáo dục, huấn luyện và thông tin : các chương trình bảo vệ môi trường-môi sinh không thể tiến hành, có hiệu lực và có kết quả nếu quần chúng không nhận thức đúng mức về yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, không ý thức được tầm quan trọng của các vần đề và thử thách thời đại và không chấp nhận những bắt buộc hoặc điều kiện của PTBV. Giáo dục, huấn luyện và thông tin là những yếu tố không kém quan trọng so với các điều kiện trước của PTBV.
Phát triển bền vững và tiến trình toàn cầu hóa
Hình thức của tiến trình toàn cầu hóa hiện nay còn thiếu công bằng. Các quan hệ quốc tế về kinh tế, thương mại, tài chính mà tiến trình toàn cầu hóa đã đưa tới một trình độ phát triển rất cao hoàn toàn thiếu tính bình đẳng. Trong những điều kiện như vậy các quốc gia chậm tiến có thu nhập thấp rất khó thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo để thực sự bước vào con đường PTBV.
Tiến trình toàn cầu hóa đã đem lại nhiều lợi ích cho thế giới. Tuy nhiên sự phân chia những lợi ích này thiếu công bằng vô cùng và được thực hiện trong hoàn cảnh những quan hệ trao đổi và hợp tác quốc tế không bình đẳng. Do đó, bên cạnh những lợi ích và tiến bộ, tiến trình toàn cầu hóa cũng gây ra nhiều điều không thuận lợi cho sự PTBV nói chung, cho sự phát triển kinh tế-xã hội của các nước chậm tiến nói riêng, chủ yếu là :
• Sự tập trung của cải giầu có và quyền lực kinh tế vào một số giới hạn quốc gia, công ty xuyên quốc gia, thành phần xã hội, tổ chức, cơ quan, v.v. Môi trường-môi sinh bị ô nhiễm nghiêm trọng, dự trữ tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, hệ sinh thái bị mất cân bằng.
• Hố cách biệt giầu nghèo trên thế giới sâu hơn, quan hệ quốc tế căng thẳng, tranh chấp giữa các quốc gia gay go, an ninh thế giới bị đe dọa.
• Tình trạng đói nghèo trên thế giới không được cải thiện. Các nước chậm tiến bị kìm giữ trong thế phụ thuộc các nước giầu, bị vay nợ đè nặng không có cách tiến lên.
• Tiến trình toàn cầu hóa hoàn toàn do các công ty xuyên quốc gia và các nước giầu hướng dẫn để giành giữ phần lợi riêng và theo những giá trị nghịch với các định đề và điều kiện của PTBV.
Trong tình trạng hiện nay, tiến trình toàn cầu hóa gây khó khăn cho sự PTBV về hai phương diện chính là kinh tế và môi trường-môi sinh. Tiến trình toàn cầu hóa theo nguyên tắc thị trường tự điều hòa là điều bất lợi cho PTBV. Tiến trình toàn cầu hóa và PTBV có những liên hệ mật thiết nhưng theo hai hướng đi rất khác nhau và đặt ra những mục tiêu có khi đối nghịch nhau. Cả hai đều không có tổ chức hay cơ quan quốc tế quản lý và điều hợp, không theo những quy tắc có tính cách ràng buộc hay bắt buộc phải tuân theo. Vấn đề này là một thử thách rất lớn cho thế giới bước vào thiên niên kỷ mới.
Nước ta hiện nay đang phát triển không bền vững. Tăng trưởng kinh tế cao nhưng chủ yếu dựa trên khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, khai thác nguồn lực lao động giá rẻ trình độ thấp, khai thác nguồn vốn vay trung dài hạn không hiệu quả, khoảng cách giàu nghèo doãng ra tốc độ cao, nghèo hóa và tái nghèo trên diện rộng tăng lên do tàn phá rừng bừa bãi, đô thị hóa thiếu kế hoạch chiều sâu, nông dân mất đất nông nghiệp nhưng thiếu việc làm trầm trọng, chính quyền quan liêu xa dân, thậm chí có nơi chính quyền đối lập với nhân dân (vụ Văn Giang, vụ Đoàn Văn Vươn…) gây mất lòng tin trong nhân dân…
Để đạt được mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh như Đảng đã đề ra thì, tất yếu phải xem xét lại phương hướng tăng trưởng kinh tế và chính sách xã hội hiện nay. Cân bằng hóa giữa phát triển công nghiệp và ổn định đời sống nông dân, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp đi đôi với tăng viecj làm và thu nhập cho dân chúng….
Tóm lại, từ nguyên lý phát triển, đến nguyên lý phát triển bền vững, chúng ta thấy rằng, chính phủ thực hiện tái cáu trúc nền kinh tế là một hướng đi đúng. Tuy nhiên đây mới chỉ là bước khởi đầu của quá trình dài lâu. Tái cấu trúc tương đối liên tục để phát triển bền vững là điều kiện cần cho sự tăng trưởng bền vững. Điều kiện đủ cho sự phát triển bền vững chính là càn quan tâm đến bộ phận không nhỏ của nhân dân không có năng lực phát triển bình thường như nhân dân thuộc dân tộc thiểu số, thương bệnh binh, gia đình nghèo, vùng sâu vùng xa………