Subscribe:

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Viết tào lao về Nguyên tắc khách quan


 Viết tào lao về Nguyên tắc khách quan 

Nguyên tắc là gì? Nguyên tắc là sản phẩm chủ quan do tư duy/tinh thần của con người rút ra trong quá trình lao động thực tiễn; xuất phát từ những cấu trúc của đối tượng, từ quy luật vận động của đối tượng, từ tính quy định đặc thù của đối tượng, từ yêu cầu khách quan của hoạt động lao động là cần đạt hiệu quả cao nhất, chủ thể nhận thức và hoạt động thực tiễn rút ra cho mình những nguyên tắc nhất định, từ đó khuôn định tư duy và hành động của cá nhân hoặc tập thể xã hội tuân thủ theo. Ví dụ: nguyên tắc (quy định) buộc các bác sĩ, y tá phải tiệt trùng các dụng cụ phẫu thuật và thân thể trước khi tiến hành thực hiện các ca phẫu thuật cho bệnh nhân nhằm tránh việc nhiễm trùng/lây lan bệnh dịch…
Nguồn gốc của nguyên tắc khách quan: Nguyên tắc khách quan trong xem xét là một nguyên tắc tối thượng của nhận thức và hành động được chủ thể nhận thức triết học duy vật rút ra sau khi xử lý vấn đề cơ bản của triết học: mối quan hệ giữa vật chất và ý thức. Theo đó, những nhà triết học duy vật xác định rằng, trong mối quan hệ ấy thì, vật chất có trước và quyết định ý thức, ý thức có sau và tác động biện chứng trở lại vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người, làm thay đổi thế giới vật chất theo nhu cầu tất yếu của bản thân mình.
Nguyên tắc khách quan phát biểu, rằng: mọi nhận thức và hành động của chủ thể đều phải xuất phát từ chính đối tượng của nhận thức/ đối tượng của hành động, xuất phát từ hiện thực khách quan, trên cơ sở đó chủ thể nhận thức và hành động phát huy tính năng động sáng tạo chủ quan nhằm đạt được mục đích của mình.  Điều đó có nghĩa chủ thể nhận thức và hành động không được gán ép cái chủ quan vào đối tượng, là nếu không tuân thủ nguyên tắc này thì chủ thể nhận thức và hành động sẽ rơi vào trạng thái chủ quan, duy tâm, ảo tưởng, dẫn đến sai lầm, thất bại.
Thực trạng nền kinh tế nước ta hiện nay là một ví dụ điển hình cho xem xét từ nguyên tắc khách quan. Nước ta đã thoát khỏi danh sách những nước nghèo, vậy thực tế của vấn đề này là gì? Có gì để lo lắng nữa không hay chúng ta thỏa mãn với điều đó?...
Theo con số của Bộ Công thương, năm 2011, tổng GDP Việt Nam ước khoảng 119 tỷ USD. GDP đầu người đạt 1.300 USD/người/năm. Tuy nhiên khoảng cách giàu – nghèo ngày càng gia tăng đáng kể. Nó phản ánh một mặt cơ bản của mâu thuẫn xã hội và là một thể hiện của sự bất bình đẳng trong xã hội. Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội được thể hiện bằng nhiều cách, nhưng chủ yếu là về khoảng cách qua thu nhập. Theo số liệu thống kê, hệ số chênh lệch thu nhập bình quân đầu người của nhóm 20% cao nhất so với nhóm 20% thấp nhất trong cả nước năm 1990 là 4,1 lần, năm 1991 là 4,2 lần, năm 1993 là 6,2 lần, năm 1994 là 6,5 lần, năm 1995 là 7,0 lần, năm 1996 là 7,3 lần, năm 1999 là 7,6 lần, năm 2002 là 8,1 lần và năm 2004 là 8,4 lần. Trong 14 năm, hệ số chênh lệch tăng lên 2,05 lần. Gần mười năm nay không có con số thống kê chính xác về sự gia tăng cách biệt giàu nghèo ở nước ta trên bất cứ phương tiện thông tin nào.
Nạn phá hoại môi trường, tài nguyên diễn ra ngày càng khốc liệt. Như một số bài báo đã viết “nước ta cơ bản đã phá xong rừng”. Rừng đầu nguồn bị chặt phá hết nghĩa là vào mùa mưa, lũ sẽ ập về mà không có gì ngăn cản nổi. Hiện tượng tái nghèo diện rộng vì sự phá hoại do lũ lụt gây nên đang đe dọa đến tận nền móng của nền kinh tế Việt nam.
Nạn tham nhũng đang phá hoại khủng khiếp nền kinh tế nước ta và phá hoại không thương tiếc lòng tin của nhân dân đối với chính phủ. Đầu tư công bị thất thoát nghiêm trọng, các tập đoàn kinh tế nhà nước đồng loạt lỗ hàng trăm ngàn tỷ đồng. Nợ công ngày càng cao, hiệu quả kinh tế ngày càng giảm. Thái độ các “công bộc” các cấp từ chính quyền địa phương đến trung ương ngày càng xa dân, những nhiễu nhân dân.
Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, khi những nước phát triển đang bước vào kỷ nguyên nền kinh tế tri thức thì, ở nước ta, giáo dục phổ thông, đào tạo nghề, đào tạo đại học…đang bước vào ngõ cụt. Nạn thất nghiệp do suy thoái kinh tế gia tăng, nhưng có một thực tế là hiệu quả đào tạo của nền giáo dục ngày càng không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp – ngay cả doanh nghiệp trong nước với công nghệ sản xuất thấp kém cũng vậy. Đào tạo nghề bị bỏ rơi, đào tạo chuyên gia không hiệu quả, nguồn nhân lực trình độ cao thiếu hụt nghiêm trọng.
Tất cả những yếu tố trên là thực tế khách quan, không phải là cái chủ quan ảo tưởng của một cá nhân nào. Do đó, nó buộc chính phủ cũng như dân chúng phải bước vào cuộc “tái cấu trúc” nền kinh tế nhằm hướng đến cân bằng trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng điều đó không có nghĩa là tái cấu trúc sẽ tất yếu thành công.Vì mọi thứ chỉ mới bắt đầu.