Tư duy phản biện
Bạn hiểu gì về tư duy phản biện?
Đó là khả năng suy nghĩ một cách rõ ràng và hợp lý. Tư duy phản biện bao gồm các khả năng phản xạ và suy nghĩ độc lập. Một người có kỹ năng tư duy phản biện thường:
q Hiểu được kết nối logic giữa những ý tưởng.
q Xác định, xây dựng và đánh giá các lập luận.
q Phát hiện các mâu thuẫn và sai lầm phổ biến trong lập luận.
q Giải quyết vấn đề một cách hệ thống.
q Nhận ra sự liên quan và tầm quan trọng của các ý tưởng.
Tư duy phản biện không phải là vấn đề tích lũy thông tin. Một người với trí nhớ tốt và hiểu biết nhiều không có nghĩa giỏi tư duy phản biện. Người có tư duy phản biện có thể suy luận những hệ quả từ những gì mình biết. Họ biết cách sử dụng thông tin để giải quyết vấn đề và tìm kiếm thêm các nguồn tin liên quan hữu ích.
Tư duy phản biện không nên nhầm lẫn với tranh cãi hay phê phán người khác. Mặc dù các kỹ năng của tư duy phản biện có thể được sử dụng trong việc phơi bày những ngụy biện và lý luận xấu.
Tư duy phản biện đóng vai trò quan trọng trong lập luận mang tính xây dựng. Nó giúp bạn có thêm kiến thức và thúc đẩy những tranh luận. Với tư duy phản biện, bạn có thể đẩy mạnh tiến trình công việc và nâng cao vị thế xã hội.
Một số người cho rằng tư duy phản biện cản trở sự sáng tạo. Bởi nó yêu cầu phải tuân theo những nguyên tắc logic và hợp lý, còn sáng tạo thì phải phá vỡ nguyên tắc. Đó là một nhận thức sai lầm. Trái lại, tư duy phản biện là một phần thiết yếu của sự sáng tạo. Nó khá gần với tư duy vượt giới hạn (out of the box) và theo đuổi cách tiếp cận ít phổ biến. Với tư duy phản biện, bạn có thể đánh giá và cải thiện những ý tưởng sáng tạo của mình.
Để có tư duy phản biện
1. Xác định vấn đề mà bạn đang cố gắng giải quyết. Phải chắc chắn rằng bạn nhìn vấn đề một cách cởi mở, khách quan. Hãy nhận ra những thành kiến của bạn và đặt sang một bên.
2. Xây dựng giả thuyết, phác thảo và động não những giải pháp khác có thể. Vạch ra những ưu khuyết điểm của mỗi giải pháp. Tư duy phản biện kéo theo việc mở ra những ý tưởng mới.
3. Thu thập thông tin về các vấn đề, bao gồm cả thông tin hỗ trợ và mâu thuẫn với lập trường của bạn. Bạn cần tất cả các dữ kiện để thực hiện một quyết định thông minh không thiên vị.
4. Phân tích tất cả các dữ kiện thu thập và phân tích từng phần của vấn đề. Đừng thừa nhận bất cứ điều gì. Hãy nhìn vào sự thật khách quan để xem xét nguồn gốc của thông tin và hiện trạng của nó.
5. Đánh giá thông tin. Đặt câu hỏi cho mỗi câu trả lời mà bạn tìm thấy. Hãy chắc chắn rằng những nguồn tin là đáng tin cậy. Bạn phải thấy được những định kiến của người cung cấp thông tin.
6. Xác định một kết luận hợp lý dựa trên tất cả các dữ kiện. Đặt câu hỏi để phân tích kết luận và đưa ra quyết định.
7. Hãy chắc chắn rằng những cơ sở lập luận của bạn là hợp lý và không thừa nhận bất cứ điều gì không có bằng chứng. Bạn có thể cho rằng A là nguyên nhân của B nhưng một thực tế thứ ba là C mới là nguyên nhân. Hãy sử dụng số liệu thống kê như một bằng chứng.
PHƯƠNG MAI (Theo Philosophy và Ehow)