Áp lực của nhân quả không/thời gian và sức mạnh của nền dân chủ rộng rãi
Trần Đình Bích 76
HN 17/1/2011
Không ít vấn đề của ngày hôm nay bắt đầu từ những giải pháp của ngày hôm qua. Do vậy, không ít vấn đề của ngày mai sẽ bắt đầu từ những giải pháp của ngày hôm nay. Đứng trước nhận định đó, các nhà lãnh đạo và nhà quản lý cần phải làm gì?
Có thể nói thời gian là một phạm trù chỉ hình thức vận động của vật chất đi từ quá khứ đến tương lai xuyên qua hiện tại. Theo triết học duy vật khoa học, thế giới vật chất luôn vận động, biến đổi và phát triển không ngừng trong không gian và thời gian của chính nó. Thế giới sự kiện của xã hội con người có tính khách quan và là một thực tại vật chất đặc biệt, nó vận động khác với sự vận động của vật chất tự nhiên, bởi sự vận động của các hiện tượng xã hội luôn có sự tham gia của trí tuệ, ý chí, tình cảm của con người.
Để biểu thị tính liên tục của sự vận động và tính nhân quả của hành động xã hội, người châu Âu có câu nói nổi tiếng “nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”, nhà Phật thường nói “nhân nhân quả quả vô cùng vô tận”, lại nói “nhân nào quả ấy, nhân là quả đấy”.
Trong hoạt động xã hội, con người luôn xuất phát ở một thời điểm cụ thể của lịch sử cùng với tất cả mọi điều kiện khách quan và chủ quan, điều kiện bên trong và bên ngoài, điều kiện không gian và thời gian, điều kiện thuận lợi và hoàn cảnh bất lợi, cùng với sự thúc đẩy của lợi ích vật chất và tinh thần…để tiến hành các hành động xã hội nhất định như sản xuất, kinh doanh, chiến tranh, cách mạng…..và do đó, con người liên tục tạo ra lịch sử của mình trong chuỗi các hành động có tính tất yếu khách quan không thể tách rời. Do đó, con người liên tục đối diện với những thuận lợi, những khó khăn, những vui những buồn do chính mình tạo nên, do “nhân duyên” quá khứ mà thành. Có thể nói không có hiện tại nào mà không đến từ quá khứ, không có tương lai nào không bắt đầu trong hiện tại, không có cái gì nứt ra từ hư vô.
Trong thực tiễn hoạt động xã hội, không ít vấn đề của ngày hôm nay bắt đầu từ những giải pháp của ngày hôm qua. Do vậy không ít vấn đề của ngày mai sẽ bắt đầu từ những giải pháp của ngày hôm nay. Hiện tượng tập đoàn kinh tế Vinasin là một điển hình dễ hiểu với bất kỳ độc giả nào đang đọc trang viết này, hoặc tâm lý thích đẻ con trai của các dân tộc có phương thức sản xuất lạc hậu gây hậu quả sâu rộng trong xã hội như nạn phá thai hay bạo lực gia đình.
Đứng trước vấn đề đó, nhà lãnh đạo và nhà quản lý cần phải làm nhiều việc, trong đó ít nhất là mấy việc sau:
1. Nghiên cứu sâu sắc mối liên hệ nhân quả tất yếu xảy ra một cách phổ biến trong thế giới xung quanh, xem xét nó dưới tinh thần biện chứng khoa học và tính thực tiễn. Từ đó nhà quản lý ý thức một cách tự giác mối liên hệ giữa sự vận động của không gian trong trường thời gian không thể tách rời của sự kiện.
2. Trước tất cả mọi hiện tượng của hiện tại, nhà quản lý cần suy xét một cách tường tận nguyên nhân tất yếu cùng các điều kiện phát sinh hiện tượng đó trong quá khứ của nó, điều đó bảo đảm rằng nhà quản lý nhìn thấy được “ngày hôm qua” của biến cố xã hội, xem xét được bản chất của hiện tượng để có thể xử lý tốt hệ quả của quá khứ ấy. Nhà quản lý là người luôn đặt vấn đề lợi ích xã hội làm mục tiêu để tư duy về sự biến đổi các hiện tượng xã hội trong hiện tại. Khi đó nhà quản lý cũng sẽ xem xét sự biến đổi trong tương lai của biến cố xã hội hiện tại, nhận chân được quy luật trong biến đổi, xem xét điều kiện của sự biến đổi và đặc biệt là xuất phát từ lợi ích xã hội và từ khả năng ý thức tự giác về quá trình phát sinh phát triển của hiện tượng để tác động vào điều kiện của biến cố trong hiện tại nhằm làm thay đổi hệ quả của nó trong tương lai, hướng sự thay đổi đó phục vụ tích cực cho lợi ích tốt đẹp của quốc gia, dân tộc và nhân loại tiến bộ.
3. Nhân dân ta có câu: một cây làm chẳng nên non/một bông lúa chín chẳng nên mùa màng/một người đâu phải nhân gian/sống chăng một đóm lửa tàn mà thôi. Sự phát triển của xã hội hiện nay luôn phức tạp, luôn vượt tầm suy nghĩ của một con người đơn lẻ bất kì. Các hiện tượng xã hội ngày càng biến đổi dữ dội khôn lường và tác động bất thường đến lợi ích nhân dân lao động, đến quốc gia, dân tộc và nhân loại. Nhà lãnh đạo vì lợi ích nhân dân cần phải nỗ lực tạo điều kiện về thể chế, cơ chế nhằm phát triển nền dân chủ rộng rãi nhằm huy động được trí tuệ của các nhân tài quanh mình và của toàn dân tộc, thúc đẩy được sự tự giác cao độ trong ý thức của cán bộ, nhân dân nhằm phát huy sự nỗ lực, tính sáng tạo trong tư duy và hành động của họ, góp sức góp trí vào giải quyết các vấn đề xã hội ấy. Một con người hay một nhóm người dù thông minh đến đâu cũng không thể thông minh hơn dân tộc, một giai cấp dù thông minh đến đâu cũng không thể thông minh hơn nhân loại, lãnh đạo dù tài năng đến đâu cũng không thể không cần đến trí tuệ tập thể cán bộ bên mình. Người Trung Quốc thường nói: “Ba anh thợ da hơn một Gia Cát Lượng” là nói đến sức mạnh xã hội ấy. Bác Hồ từng nói: dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. %%%.