Subscribe:

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Trần Đình Bích - MỐI QUAN HỆ BIỆN CHỨNG GIỮA PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC VÀ ĐỔI MỚI GIÁO DỤC


MỐI QUAN HỆ BIỆN CHỨNG GIỮA
PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC VÀ ĐỔI MỚI GIÁO DỤC
Trần Đình Bích 16.4.2010

I.Vấn đề đổi mới giáo dục ở nước ta hiện nay
Giáo dục là một bộ phận quan trọng của ý thức xã hội, thường xuyên tác động biện chứng đến các vấn đề của tồn tại xã hội. Ở nước ta, vấn đề đổi mới giáo dục đang là vấn đề nóng bỏng, được toàn xã hội quan tâm. Đảng và nhà nước ta đánh giá rất cao vai trò của giáo dục - đào tạo trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế – xã hội hiện nay, của sự phát triển đất nước trong tương lai. Đảng ta khẳng định “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.  Chính vì vậy, phát triển giáo dục trong tình hình hiện nay là một trong những nhiệm vụ chính trị – kinh tế – xã hội quan trọng hàng đầu.
Vấn đề trọng tâm của phát triển giáo dục  chính là đổi mới/cách mạng hóa giáo dục, nhằm nâng cao chất, điều chỉnh lượng để đưa giáo dục lên một tầm cao mới, tiên tiến, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu đào tạo con người, đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao phục vụ thực tiễn xây dựng đất nước.
Trong các mắt khâu của quá trình đổi mới giáo dục, ba mắt khâu sau được đánh giá nổi bật hơn cả, đó là đổi mới triết lý giáo dục, đổi mới phương pháp dạy- học, đổi mới nội dung dạy – học. Trong đó, đổi mới triết lý giáo dục là tiền đề tinh thần, đổi mới phương pháp dạy – học là trọng tâm, là đòn bẩy quyết định chất lượng đổi mới giáo dục, đổi mới nội dung giáo dục là tăng thêm năng lực hiện thực cho tác động của nó đối với thực tiễn.
II.Đổi mới phương pháp dạy - học trong quan hệ với đổi mới giáo dục
Phương pháp dạy - học là khái niệm có nội hàm phức tạp, có thể hiểu theo nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy vậy, các hiện tượng phong phú biểu hiện của phương pháp dạy học đều có đặc điểm chung: biểu thị những ảnh hưởng bên ngoài tác động đến người học và quá trình học tập theo một ý tưởng /triết lý/hệ thống các nguyên tắc nhất định mà chủ thể giáo dục tuân thủ nhằm đạt được mục tiêu giáo dục.
Nước ta có một truyền thống giáo dục lâu đời – nền giáo dục Khổng Mạnh. Phù hợp với một xã hội phong kiến bình yên ít thay đổi là một nền giáo dục ít thay đổi về nội dung (kinh điển Nho gia hàng ngàn năm cơ bản vẫn thế) và ổn định về phương pháp. Phương pháp dạy học hàng ngàn năm không biến đổi được định danh là “phương pháp cổ truyền”: thầy đọc trò ghi chép, thầy cắt nghĩa, trò cố gắng thấu hiểu những nội dung thầy truyền thụ. Phương pháp ấy phù hợp và phản ánh một xã hội ít thay đổi, thiếu thốn thông tin, nghèo nàn tài liệu. Trong cái xã hội nghèo nàn ấy thì việc “kinh điển hóa” mọi khâu trong giáo dục cũng là lẽ đương nhiên.
Khi nền kinh tế có sự thay đổi lớn lao, khi xã hội có sự đảo lộn, khi sự ổn định của thời đại phong kiến bị phá vỡ thì truyền thống giáo dục cũ ấy không còn phù hợp nữa, tính trì trệ bảo thủ của nó không đáp ứng được nhu cầu cấp bách về đào tạo nhân tài cho đất nước trong nền kinh tế hội nhập hiện nay.
          Phương pháp dạy học hiện đại luôn bao hàm 3 yếu tố cơ bản: 1) Nguyên tắc cơ bản cốt lõi hay còn gọi là triết lý dạy – học. 2) Hệ thống kỹ năng dạy – học. 3)Yếu tố vật chất như không gian, thời gian, công nghệ, cường độ, tính chất, logic, hiệu quả….
Yếu tố thứ 3 biểu thị tính chất trọn vẹn, đầy đủ và cụ thể trong phương pháp dạy học. Yếu tố này biến đổi nhanh hơn cả và có hình thức công nghệ, hàm chứa và chuyên chở cả 2 yếu tố trên. Ở dạng công nghệ, phương pháp dạy học biến đổi hàng ngày, hàng giờ trong hoạt động của giáo viên, giữa giáo viên và người học, giữa bài trước và bài sau, giữa các môn học khác nhau, tùy theo môi trường và nguồn lực giáo dục cụ thể. Và cũng chỉ phương pháp giáo dục ở hình thái này mới có tác động thật sự đến người học và quá trình học tập, gắn liền với mặt hành động của dạy- học và những cải tiến kỹ thuật thường xuyên trong nhà trường.
Phương pháp dạy học hiện đại có thể phân thành các kiểu loại: 1)Phương pháp thông báo-thu nhận. 2)Phương pháp tái tạo. 3)Phương pháp trình bày theo chủ đề, nêu vấn đề. 4)Phương pháp phân tích bộ phận. 5)Phương pháp nghiên cứu toàn thể….
Mỗi phương pháp lại bao hàm nhiều dạng thức khác nhau, ví dụ phương pháp thảo luận có những dạng thức như: Thảo luận lớp/Thảo luận nhóm/Thảo luận giải đáp/Thảo luận hội nghị/Thảo luận lớp xã hội hóa.
Quá trình đổi mới giáo dục gắn chặt chẽ với đổi mới phương pháp, đến lượt nó, chúng ta thấy đổi mới phương pháp lại gắn chặt với mục đích dạy học, nội dung dạy học và đối tượng dạy học trong những môi trường khác nhau. Mục đích của người đi học thời phong kiến là học để làm quan. Trong xã hội hiện đại, sự học có nhiều mục đích. Theo UNESCO, sự học hiện đại hướng đến các mục tiêu: 1)Học để biết. 2)Học để làm. 3)Học để chung sống. 4)Học để thành người.
Để đạt được mục đích đa dạng này, phương pháp dạy học cần có những biến đổi nhất định, cần  liên tục nâng cao chất lượng quá trình dạy học và kết quả dạy học.
Trước đây, phương pháp dạy học đơn giản, phiến diện, do đó nó đào tạo nên những con người phiến diện. Trí thức thời phong kiến dùi mài kinh sử để “tiến thân làm quan”, nếu không tiến được thì “thoái thân làm sư”. Ngoài hai việc đó ra thì về cơ bản họ không đóng góp được gì và cũng không có năng lực gì nữa để mà đóng góp thêm cho xã hội. Người có chữ ngày xưa “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm”. Ngày nay, quan niệm hiện đại về quá trình học tập đã có nhiều bước tiến vượt bậc so với quan niệm cổ điển. Đổi mới giáo dục nhằm đào tạo nên con người toàn diện, do vậy phương pháp dạy học cũng phát triển tất yếu theo hướng toàn diện hóa, đa dạng hóa, hiện đại hóa và thực tiễn hóa.
Theo B.Bloom, các phương pháp dạy học hiện đại trong tiến trình đổi mới giáo dục đều tác động hướng đến 3 lĩnh vực:
1/ Nhận thức, có 6 bậc: nhận biết/hiểu/áp dụng/phân tích/tổng hợp/đánh giá.
2/ Xúc cảm-thái độ: tình cảm, ý chí, thiện hay ác cảm, nhu cầu, giá trị…trong quá trình học tập.
3/ Tâm vận động: gồm các kỹ năng hành động và hành vi thống nhất các yếu tố trí tuệ và thể chất.  
Học tập là khả năng và thành tựu phát triển có tính chất tích hợp của mọi năng lực con người. Tất cả những sự kiện thực tế trong hoạt động dạy- học và trong lý luận dạy học đã cho thấy quá trình học tập diễn ra phức tạp, diễn ra theo nhiều phương thức khác nhau. Mỗi phương thức lại tạo ra một kiểu học tập riêng biệt.
Phương pháp dạy học một mặt phải thích ứng với các kiểu học tập, mặt khác phải tạo ra môi trường và cơ hội để hoàn thiện hoặc phát triển hoạt động học tập của người học dựa vào chính kinh nghiệm và hoạt động của người học, mà trước hết là dựa vào các kiểu học tập cơ bản, phổ quát đối với bất kỳ cá nhân nào.      
          Có thể khái quát quá trình học tập của con người với 5 kiểu tổng quát sau: 1/ Học chủ yếu bằng cách bắt chước, sao chép, không có hoặc có ít tính chủ định. 2/ Học chủ yếu bằng hành động thực hành có chủ định. 3/ Học chủ yếu bằng trải nghiệm các quan hệ và tình huống. 4/ Học chủ yếu bằng nỗ lực cá nhân suy nghĩ – tư duy trí tuệ. 5/ Học bằng các phương pháp hỗn hợp.
          Tương ứng với 5 kiểu học cơ bản trên có 5 nhóm phương pháp dạy học điển hình hiện đại:
1/ Nhóm phương pháp dạy học thông báo-thu nhận. 2/ Nhóm phương pháp dạy học làm mẫu-tái tạo. 3/ Nhóm phương pháp dạy học khuyến khích tham gia.    4/ Nhóm phương pháp dạy học kiến tạo tìm tòi. 5/ Nhóm phương pháp dạy học tình huống, nghiên cứu.
          Đây là 5 nhóm phương pháp dạy học chung, từ đây mỗi nhóm lại có các mô hình kỹ thuật khác nhau, từ mỗi mô hình lại sản sinh ra nhiều hình thức cụ thể trong hoạt động giáo dục thực tiễn.
           Nền kinh tế nước ta đang trên đà chuyển biến nhanh chóng theo hướng hội nhập vào nền kinh tế thế giới, xã hội với các chuẩn mực cũ dần bị phá vỡ và đang phát triển lên một vòng khâu cao hơn về chất. Chúng ta có thể thấy tác động to lớn của giáo dục đến nền kinh tế - xã hội qua tất cả các ngành nghề đào tạo hiện nay.
Như đã phân tích ở trên, ta thấy đổi mới giáo dục ở nước ta hiện nay không chỉ đơn giản là lời kêu gọi có tính chất đạo đức lương tâm mà xét đến cùng đó chính là nhiệm vụ vật chất mà nó phải gánh vác và hoàn thành, là sứ mệnh mà lịch sử đã giao phó và kỳ vọng ở nó. Cả hệ thống giáo dục phải thay đổi, quá trình thay đổi phải mang tính hệ thống, hiệu quả và hiện đại nhằm thúc đẩy có chiều sâu nền kinh tế - xã hội tiến về phía trước. Trong sự dịch chuyển lịch sử ấy thì đổi mới phương pháp dạy học là xương sống, là linh hồn và là đòn bẩy cho đổi mới giáo dục.
Đổi mới giáo dục là con đường tất yếu nhằm xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, để hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, để nâng tầm dân tộc ta “sánh vai với các cường quốc năm châu”, và để dân tộc mãi trường tồn.
%%%