Chết và Sống có phải hai phương trời cách biệt?
Trần Đình Bích. 9.1.2011
Ảnh: Điểu táng ở Tây Tạng
Chết và Sống là hai phương trời cách biệt? Nếu nhìn cho kỹ một chút, ta sẽ nhận ra rằng Sống và Chết là hai mặt của một khối thống nhất không thể tách rời của thực tại, như là hai mặt của một đồng xu mà thôi. Nếu ta muốn biết về cái Sống, liệu ta có cần biết về cái chết không? Giống như vậy, nếu ta chưa từng hiểu thế nào là mất mát, thiếu thốn thì liệu ta có thể thấu hiểu được sự tròn đầy viên mãn của hạnh phúc đủ đầy hay không? Chết không phải là một trạng thái duy nhất xuất hiện một lần và cuối cùng trong chuỗi sống, mà là trạng thái liên tục xuất hiện trong cái Sống, là mặt đối lập của cái Sống, là động lực thúc đẩy cái Sống, là chỗ cái Sống nương tựa và hàm ơn. Bởi nếu không có những cái Chết liên tục xuất hiện thì cái Sống cũng chỉ là ảo mộng, không thật.
Trong cuộc đời ta sống, ta liên tục chết đi. Nếu hôm nay ta khôn lớn thêm lên, bản lĩnh thêm lên, già dặn thêm lên một chút thì điều đó đồng nghĩa với cái "thằng ta" ngu dại ngày hôm qua đã chết, nếu bây giờ ta hạnh phúc thì nghĩa là cái "thằng ta" đau khổ hôm nào đã qua đời. Nhưng ta đã quen với cái nhìn phiến diện về cái Sống nên ta mặc nhiên phiến diện về cái Chết. Ta nghĩ rằng hai thứ đó chẳng duyên nợ gì nhau, ta xa rời cái chết, thậm chí ta không muốn nghĩ về nó dù cho nó luôn hiện diện bên trong, bên cạnh cái Sống, ôm ấp cái Sống, cho cái Sống lý do để kỳ vọng.
Do phiến diện như vậy nên ta đâu cần nghĩ về nó. Ta đam mê, ta hăm hở nghĩ về cái Sống, ta đắm say Sống, và cho đến một ngày không đẹp trời cho lắm khi thần Chết xuất hiện gõ cánh cửa cuộc đời ta, ta hoảng hốt và tuyệt vọng, ta đau đớn và thù hận, ta không nhắm được mắt vì nuối tiếc. Và lúc đó, nếu ta muốn biết một chút gì đó về cái Chết thì đã muộn, ta chết trong vô minh về cái Chết.
Các thiền sư đắm mình trong suy niệm về cái Chết, không phải bởi họ thù ghét gì cái Sống. Đơn giản là họ muốn thấu hiểu sự vĩ kỳ của sự Sống, do vậy họ phải thấu triệt về bản chất của cái Chết. Chỉ khi nhận chân rằng cái Chết thật diệu kỳ và đẹp đẽ thì cái Sống trước mắt học mới tỏa sáng, tâm não thiền nhân "đốn ngộ" lẽ vô thường. Chính họ chứ không phải ai khác yêu thiết tha từng sátna, từng hơi thở sự Sống, bởi chỉ thấu hiểu mới có thể yêu thương. Thấu hiểu tận cùng thì yêu thương trọn vẹn. Khi đó, với thiền nhân, cái Chết trở nên thân thiết, đáng yêu và đáng quý biết bao. Không ngần ngại, không sợ hãi và không bối rối, tự nhiên như hơi thở, như trăng khuyết rồi đầy như gió đến rồi đi, như trẻ thơ hớn hở đón chào tấm quà trên tay bà đi chợ về cho vậy.
Thực là: trong cái Sống đã sẵn mầm cái Chết, trong yêu vui đã có sẵn niềm buồn. Nhà thơ Xuân Diệu từng viết : "trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt" để nói đến khúc hoan giao của một trời mâu thuẫn này.