Subscribe:

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Trandinhbich. HN 29.6.2015 - CHỈ LÀ TẠM BIỆT THÔI


Trandinhbich. HN 29.6.2015 - 

CHỈ LÀ TẠM BIỆT THÔI

Chào nhé Phan Huỳnh Điểu
Nhạc sĩ của tình yêu
Ở hai đầu nỗi nhớ
Có bao giờ cô liêu !
Tạm biệt nhé Huỳnh Điểu
Đi qua vùng heo may
Còn tình yêu ở lại
Trong thương nhớ hao gầy !
Gửi lời chào tạm biệt
Bóng Kơ - nia cao vời
Lá vàng rụng về cội
Nụ cười còn trên môi !
Đời mênh mông như biển
Sóng dịu êm như lòng
Thư tình mùa thu cuối
Gởi vào sầu mắt trong !
Thôi, cười nhé Huỳnh Điểu
Chỉ là tạm biệt thôi
Bao sợi thương sợi nhớ
Giăng đầy trời chơi vơi !

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Nguyễn Khánh Trung - Chỗ đứng của Triết học trong chương trình giáo dục phổ thông tại Pháp


Chỗ đứng của Triết học trong chương trình giáo dục phổ thông tại Pháp

Sáng thứ tư, ngày 18/06/2015, 684.734 thí sinh lớp 12 trên toàn nước Pháp bước vào ngày thi môn triết, môn thi truyền thống đầu tiên trong kỳ thi tú tài hàng năm và là “môn vua” trong các môn mà học sinh phải thi.
Mấy ngày hôm nay báo đài tại Pháp thường xuyên đề cập về sự kiện quan trọng này, nhiều tờ báo mở chuyên mục đặc biệt về “tú tài triết” để đưa tin, bình luận. 
  triết học, chương trình, phổ thông, Pháp
Học sinh làm bài thi Triết học (baccalauréat exam)ở thành phố Strasbourg, Pháp

Dưới đây là đề thi chia theo các phân ban, khác với năm ngoái các thí sinh trong mỗi ban có tới ba đề khác nhau để chọn, năm nay, các thí sinh chỉ có hai đề chọn một.
Các chủ đề thi

Ban Văn chương (Bac de Littérature)


Đề 1 : Tôn trọng tất cả những bản thể sống là một nghĩa vụ đạo đức?

Đề 2 : Phải chăng tôi chính là thành phẩm của quá khứ bản thân?

Liên quan đến đề thi trên, trang Web Pédagogique khuyên các thí sinh chọn đề 1 phải nắm vững các khái niệm như tôn trọng, đạo đức, sống ; ngoài ra thí sinh cũng phải phân biệt giữa đạo đức học và đạo đức. Liên quan đền đề 2, thí sinh được gợi ý là phải suy nghĩ về cái tôi chủ thể, về những gì tôi là, về quá trình hình thành cái tôi, hình thành căn tính bản thân.

Ban Khoa học (Bac Scientifique):

Đề 1 : Phải chăng một tác phẩm nghệ thuật luôn có cùng một ý nghĩa?

Đề 2 : Phải chăng chính trị có thể thoát ly ra khỏi sự ràng buộc của chân lý?

Ban Kinh tế và Xã hội (Bac Economique et Social):

Đề 1: Ý thức cá thể phải chăng chỉ là sự phản ánh của xã hội trong đó cá thể sống?

Đề 2 : Phải chăng người nghệ sĩ đem ra điều gì đó để hiểu?

Ban Kỹ thuật (Bac Technologique):

Đề 1 : Văn hoá có làm nên con người?

Đề 2 : Chúng ta có thể hạnh phúc mà không cần tự do không?

Tất cả các đề thi đều ở dạng mở, muốn làm bài tốt, các thí sinh được khuyên phải có kiến thức rộng về các triết gia và các khái niệm triết học trong các tác phẩm của họ, cũng như khả năng liên hệ giữa các khái niệm với nhau, giữa các khái niệm này và thực tại xã hội.

Tại sao triết học lại chiếm chỗ quan trọng trong nhà trường Pháp?

Triết học là một trong những môn học khai phóng, có chỗ quan trọng trong chương trình giáo dục, nhất là ở bậc trung học phổ thông tại Pháp : Học sinh lớp 12 – Ban Văn Chương phải học 8 giờ/tuần ; Ban Kinh tế và Xã hội là 4 giờ/tuần ; Ban Khoa học là 3 giờ/tuần và Ban Kỹ thuật là 2 giờ/tuần.

Giảng dạy và thi cử triết học trong nhà trường liên quan đến lý tưởng của nền cộng hòa. Theo nhà báo Annabelle Laurent1 (2010) thì Napoleon đã lập ra môn thi này năm 1808 với mục đích là đào tạo các "công dân khai minh". Triết học liên quan đến tự do tư tưởng, mà điều này lại được xem như một trong những phẩm chất của người công dân trong nền cộng hòa Pháp.

Trong một thông tư được ban hành ngày 26 tháng 9 năm 1922, môn triết học được định nghĩa như là "học về tự do thông qua thực hành suy tư", theo đó mục tiêu của việc giảng dạy môn này là tập cho học sinh "thể hiện các suy tư và phán đoán". Thông tư này cũng nói rằng nhiệm vụ của triết học là chuẩn bị nơi các "công dân khai minh" tinh thần trách nhiệm.

Tóm lại, vai trò của việc giảng dạy triết học trong nhà trường là mở mang trí tuệ, rèn luyện kỹ năng lập luận, tranh biện, phương pháp tư duy, truy vấn, cũng như tinh thần trách nhiệm cho học sinh. Nhờ vậy, nước Pháp luôn được đánh giá là đã nuôi dưỡng tốt văn hóa phản biện và giàu có về vốn trí tuệ trong dân chúng.

Những điều trên nằm trong truyền thống tinh thần của Socrates, triết gia đã sống cách chúng ta gần 24 thế kỷ và đã đưa ra một tuyên bố nổi tiếng "Cuộc sống không truy vấn là cuộc sống không xứng đáng với con người", tinh thần này của ông đã trở thành linh hồn của các nền giáo dục không những chỉ ở Pháp mà còn tại nhiều nước Phương Tây cho đến hôm nay (xem Martha C. Nussbaum, 20102).
(Theo Nguyễn Khánh Trung/ Tia sáng)
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/245059/cho-dung-cua-triet-hoc-trong-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-tai-phap.html----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
1 Pourquoi la France philosophe? Theo đường dẫn: http://www.slate.fr/story/23119/pourquoi-la-france-tient-tant-la-philo.
2 Martha C. Nussbaum. (2010). Vô vị lợi – Vì sao nền dân chủ cần các môn học nhân văn (dịch bởi Bùi Thanh Châu (2015). Tp. HCM : Nxb. Hồng Đức & Đh Hoa Sen.

Vincent Vũ Tứ Quyết, S.J. - Linh Hồn Bất Tử


Vincent Vũ Tứ Quyết, S.J.

Linh Hồn Bất Tử

soul
Trong tác phẩm Phaedo của Plato, Socrates có một cuộc đối thoại quan trọng với các bạn trước khi ông chết. Theo lời của những người bạn này, họ sợ rằng, khi linh hồn lìa khỏi thân xác, linh hồn sẽ chết ngay lập tức. Thế nhưng, Socrates khẳng định: linh hồn bất tử, vì ba lý do: một là, nguyên lý đối nghịch luôn luôn đúng; hai là, linh hồn có khả năng nhớ lại; ba là, linh hồn là nguồn của sự sống. Những điều này có được chứng minh hay không?
Trước hết, nguyên lý đối nghịch (the principle of Opposites) là một niềm tin có tính nghịch lý. Socrates nói rằng, mọi thứ đều có cái đối nghịch của nó, và một thứ sinh ra từ cái đối nghịch của nó; sự sống và cái chết là đối nghịch của nhau, nên sự sống đến từ cái chết. Theo đó, linh hồn đến thế giới bên kia sau cái chết, và sau đó, nó trở về thế giới này; thế nên, một con người được sinh ra từ người đã chết. Như vậy, một là, ông khẳng định, mọi thứ đến từ cái đối nghịch của nó. Đây không phải là một chân lý hiển nhiên, mà chỉ là một niềm tin mà ông cũng như những người bạn ông thừa nhận. Hai là, ông liệt kê các cặp đối lập: xấu – tốt, bất công – công bằng… Hơn nữa, ông nói về hai quá trình biến đổi: phân chia – hợp nhất, tiến triển – thụt lùi… Tóm lại, từ việc quan sát thực tế trong vũ trụ và suy tư về chúng, ông cố gắng mô tả cách thế mà linh hồn tồn tại sau cái chết; tuy nhiên, điều này không đủ để chứng minh sự bất tử của linh hồn, thậm chí là sự tồn tại của linh hồn sau khi chết, dù chỉ là một khoảng thời gian nào đó.  
Thứ hai, học thuyết về sự nhớ lại (the Recollection) dường như là một lý lẽ yếu cho sự bất tử, vì hai lý do. Một là, nếu học thuyết này sai, thì không có gì cần bàn. Hai là, nếu học thuyết này đúng, thì kết quả đáng mong đợi cũng không đạt được. Ông nói, tri thức chỉ là sự nhớ lại, nghĩa là linh hồn đã học trước khi con người được sinh ra; thế nên, linh hồn phải tồn tại trước khi nó sống trong thân xác. Tuy nhiên, sự tồn tại trước ấy của linh hồn là bao lâu, và bằng cách nào? Và một khoảng thời gian thì khác xa sự bất tử.
Để làm cho việc chứng minh của mình thuyết phục hơn, Socrates kết hợp hai luận cứ trên lại với nhau. Sự sống đến từ cái chết, và linh hồn tồn tại trước khi con người được sinh ra, nên linh hồn phải tồn tại sau khi con người chết, để nó có thể sống trong một con người mới. Điều này chỉ có thể hiểu được trong niềm tin về luân hồi, tức thời gian như đường vòng tròn. Còn trong niềm tin của người Do-thái chẳng hạn, thời gian là đường thẳng, thì không thể hiểu được lập luận này của ông.
Thứ ba, điều khẳng định: linh hồn là nguồn của sự sống (the sourse of life), không nối kết mạch lạc cách trực tiếp với sự bất tử. Ông nói, thân xác sống động là do linh hồn, và bất cứ cái gì có linh hồn thì có sự sống; nếu linh hồn mang sức sống cho thân xác, thì nó không thể mang sự đối nghịch của sự sống tức sự chết; như vậy, linh hồn không thể chấp nhận cái chết, tức là nó bất tử. Những lý do này có vẻ không hiển nhiên. Ngay từ đầu, ý kiến chắc nịch về việc “linh hồn chỉ sống động” đã được coi như một chân lý. Tại sao linh hồn không chết giống thân xác? Hơn nữa, linh hồn không thể nhận cả sự sống và cái chết cùng một lúc, nhưng lại là có thể trong những thời điểm khác nhau, nếu thế câu chuyện ở đây sẽ trở nên rất khác. Vượt ra ngoài việc bàn về linh hồn của con người, chúng ta thử áp dụng suy nghĩ của ông cho cây cối và loài vật, thì chúng có linh hồn và linh hồn ấy cũng bất tử. Vậy nên, lập luận thứ ba này chỉ vòng vo và không đủ sáng tỏ.
Như vậy, các luận điểm và lập luận của Socrates thật tuyệt khi ông sử dụng chúng để diễn tả quan niệm của mình về linh hồn, thật tuyệt khi chúng ta tìm cách giải thích huyền nhiệm của con người trên con đường đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Mặt khác, những lập luận ấy không có giá trị để chứng minh sự bất tử, nhưng chúng lại mang một giá trị lớn lao trong cách hiểu về thực tại, cái mà chúng ta luôn luôn kiếm tìm và không bao giờ nắm bắt cho đủ. Ông không thể chứng minh niềm tin của mình, nhưng ông có thể giải thích niềm tin cách độc đáo và tường minh.


Lm. Giuse Vũ Uyên Thi, SJ - Lý Thuyết Đạo Đức Của Kant

(Lm. Giuse Vũ Uyên Thi, SJ)

Lý Thuyết Đạo Đức Của Kant


Kant
Đóng góp của Imamanuel Kant trong lãnh vực triết học, cách riêng trong lãnh vực tri thức luận và đạo đức học, rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn. Bài viết này sẽ trình bày tóm lược lý thuyết về đạo đức của ông. Lý thuyết này ông trình bày chủ yếu trong cuốn ‘Đặt Nền cho Lý Thuyết Siêu Hình về Đạo Đức’, xuất bản 1785.
1. Phương pháp luận
Kant dùng hai phương pháp chính: phán đoán tiên thiên tổng hợp và duy tâm siêu nghiệm, (transcendental idealism).
Phán đoán tiên thiên tổng hợp là gì? Phán đoán thông thường có hai loại: Phân tích (hay còn gọi là diễn dịch), và tổng hợp. Phán đoán phân tích không đem lại điều gì mới, vì chỉ phân tích hay diễn tả điều đã có sẵn. Ví dụ, từ phán đoán “mọi người đều phải chết” ta phân tích ra, “Socrate phải chết”, điều này không có gì mới. Trái lại, phán đoán tổng hợp có điều mới. Ví dụ: Bầu trời màu xanh. Màu xanh là điều kinh nghiệm con người thấy và gán cho bầu trời.
Như thế, phán đoán loại phân tích luôn mang tính tiên thiên, vì không lệ thuộc vào quan sát. Còn phán đoán tổng hợp phải dựa vào quan sát. Vấn đề Kant đặt ra là: có thể có Phán đoán tổng hợp mang tính tiên thiên không? Tức liệu có thể có một phán đoán mang lại điều gì mới mà không dựa vào kinh nghiệm?
Kant chứng minh rằng có, và công việc này rất khó khăn. Câu nói thường được dùng làm ví dụ để minh họa cho phán đoán tiên thiên tổng hợp là: “mọi sự kiện đều có nguyên nhân”. Mới nghe có vẻ giống với cách quy nạp: thấy từng sự kiện có nguyên nhân rồi khái quát hóa mọi sự kiện đều có nguyên nhân. Tuy nhiên, quy nạp dựa vào kinh nghiệm, cách ‘tiên thiên’ thì không. Cách tiên thiên dựa vào chính sự kiện, nhưng không bằng việc phân tích nó, vì nếu vậy hóa ra cách phân tích, nhưng bằng cách ‘siêu nghiệm’.
Siêu nghiệm tức không dựa vào kinh nghiệm, vượt trên kinh nghiệm, và là điều đạt nền tảng cho kinh nghiệm. Kinh nghiệm chỉ là hiện tượng của các sự vật tương tác với trí não con người. Kant cho rằng nếu có hiện tượng thì phải có cái làm nền cho nó, đây chính là thế giới vật tự thân, vượt khỏi kinh nghiệm. Như cái nhà là hiện tượng, cái ta thấy, còn nền móng của cái nhà là điều không thấy nhưng phải giả định. Đây chỉ là ví dụ loại suy vì nền móng cái nhà cũng là hiện tượng. Như vậy ‘mọi sự kiện đều có nguyên nhân’ có thể được hình thành theo cách ‘siêu nghiệm’, tức thấy rằng: sự kiện là hiện tượng, cần có nguyên nhân làm nền tảng. Như thế phán đoán tiên thiên tổng hợp mang tính khả thi nhờ vào cách siêu nghiệm.
2. Cách xây dựng và chứng minh lý thuyết đạo đức
Đây là điều thú vị, vì phải bắt đầu từ đâu, dựa vào cái gì, chứng minh cái gì? Kant tiến hành theo cách thông thường: để chứng minh một lý thuyết thì trước hết phải tìm điều cần chứng minh rồi sau đó chứng minh. Nhưng làm sao để tìm điều cần chứng minh?
Kant tìm điều cần chứng minh bằng cách phân tích kinh nghiệm thông thường mọi người có về đạo đức xem coi đạo đức đòi hỏi những yếu tố gì và sau đó tìm hiểu hay chứng minh xem con người có đáp ứng được không. Việc này cũng giống dụ ngôn một vị vua đi đánh trận, ngồi phân tích xem để thắng trận thì cần những gì và bản thân ông có đáp ứng được không.
3. Phân tích kinh nghiệm thông thường về đạo đức và xây dựng lý thuyết
Cũng giống vị vua phân tích từ việc thắng trận thì đòi hỏi những gì và cách tiến hành ra sao và việc phân tích này hình thành nên lý thuyết về thắng trận, Kant phân tích kinh nghiệm đạo đức thực sự bao gồm những gì và qua việc phân tích này hình thành lý thuyết của ông.
Ông khởi sự phân tích ‘lòng tốt’. Lòng tốt là điều duy nhất tốt và không lệ thuộc vào cái gì. Mọi cái khác dù tốt nhưng có thể thành xấu nếu lòng không tốt. Lòng tốt cũng không lệ thuộc vào kết quả công việc, vì người có lòng tốt làm việc không thành thì họ vẫn tốt. Hơn nữa người làm việc tốt chưa chắc đã tốt, vì điều tốt có kkhi chỉ vô tình phù hợp với sở thích của họ, vì khi khác nếu điều tốt trái với sở thích của họ, họ có làm không? Nếu họ vẫn làm thì điều gì khiến họ làm? Như thế lòng tốt tuy không lệ thuộc vào điều gì, nhưng được hướng dẫn bởi một nguyên tắc; vấn đề là nguyên tắc gì và do ai thiết lập?
Nhưng trước hết, nguyên tắc này chính là nguyên tắc đạo đức, và không lệ thuộc vào bất cứ sự gì, vì mọi sự vật bên ngoài đều mang tính bất tất nên nếu dựa vào, nguyên tắc đạo đức sẽ rất bấp bênh.
Kế đến ông phân tích mệnh lệnh tuyệt đối. Vì người có lòng tốt có khi làm việc trái với sở thích của mình, điều này cho thấy họ hành động theo một mệnh lệnh hay bổn phận nào đó. Có hai loại mệnh lệnh: có điều kiện và mệnh lệnh tuyệt đối. Mệnh lệnh có điều kiện là khi nhắm tới một điều gì đó một người phải chọn luôn các bước phương tiện. Ví dụ: Muốn giỏi thì phải học, nhưng người không muốn giỏi thì không buộc phải học. Thế nên tính bắt buộc phải học chỉ mang tính điều kiện.
Mệnh lệnh tuyệt đối không có điều kiện, bắt buộc tuyệt đối, vì mệnh lệnh này không dựa vào một đích nhắm bên ngoài nào nên không có điều kiện. Giống như người có lòng tốt là tốt vô điều kiện, luôn tốt trong mọi hoàn cảnh.
Như thế, nguyên tắc đạo đức chính là làm theo mệnh lệnh tuyệt đối. Thế nhưng mệnh lệnh này bao hàm những gì? Kant nói, mệnh lệnh này không có nội dung, tất cả những gì nó yêu cầu đó là con người phải tuân thủ tính phổ quát của mệnh lệnh. Thế nên khi làm gì, con người không cần phải căn cứ vào luật gì cụ thể cả, chỉ cần đảm bảo tính phổ quát (vì mệnh lệnh tuyệt đối không có ngoại lệ, nên phải phổ quát). Để đảm bảo tính phổ quát con người phải hỏi: Liệu việc tôi làm một khi được phổ quát hóa sẽ ra sao? Ví dụ, một người xét xem có thể nói dối được không; người ấy làm kiểm tra như sau: nếu điều này được phổ quát hóa, mọi người sẽ nói dối và chẳng ai tin ai nữa, và nếu không ai tin ai thì nói dối cũng vô ích. Như thế việc nói dối phá đổ chính nền nảng của nó, đây là điều mâu thuẫn và vì thế không được nói dối.
Kant nói thêm, con người làm gì cũng có mục đích, thế thì một mệnh lệnh tuyệt đối hay nguyên tắc tuyệt đối cũng cần một đích nhắm tuyệt đối và phổ quát. Kant xét thấy chỉ có con người có giá trị tuyệt đối vì mọi cái khác có giá trị đều phải so sánh với con người. Hay có thể suy rằng con người là chủ thể của lòng tốt, mà lòng tốt có giá trị tự nó, nên con người cũng có giá trị tự thân, mọi điều khác chỉ có giá trị phương tiện.
Điều này dẫn tới một nguyên tắc thứ hai: đó là khi làm gì, phải đối xử với mọi người như là đích đến chứ không dùng họ như phương tiện. Ví dụ, tại sao không được nói dối, nguyên tắc này sẽ trả lời vì khi nói dối mình sử dụng người khác như phương tiện. Khi nói dối, người khác sẽ nhận được thông tin sai và vì thế không đạt được đích nhắm mà họ định trong khi mình đạt được đích nhắm của mình. Việc xác định mục đích và đạt đích là điều căn bản làm nên bản chất con người, khi mình cản trở họ làm việc này, mình biến họ thành phương tiện.
Vì con người vừa là khởi điểm (làm luật) vừa là đích đến của luật, thế nên con người có tính tự quyết. Điều này giả thiết rằng con người phải có ý chí tự do.
Như thế việc cần chứng minh là: con người có ý chí tự do. Nếu chứng minh không được thì đạo đức chỉ là ảo tưởng, sẽ không có lòng tốt vô điều kiện, nhưng con người chỉ tốt vì một điều gì đó bên ngoài, và rốt cuộc con người chỉ là con rối bị điều khiển bởi văn hóa, bản năng, nhu cầu và những đích nhắm do mình đặt ra và vì thế không có một nguyên lý chung nào cho mọi người. Khi đó đạo đức chỉ là hợp đồng xã hội, luật pháp nhà nước, hay mệnh lệnh tôn giáo. Mà những thứ này mỗi nơi một khác nhau!
4. Chứng minh con người có ý chí tự do
Nếu khẳng định rằng mọi sự đều có nguyên nhân thì tự do là điều khó giải thích, vì nếu tự do cũng có nguyên nhân thì đấy không còn là tự do nữa.
Không thể phân tích ý chí để thấy tự do; cũng không thể dựa vào kinh nghiệm để thấy tự do, vì như thế chỉ là quy nạp. Kant dựa vào siêu nghiệm. Cũng như sự vật có hiện tượng và vật tự thân, con người cũng có thế giới ‘cảm quan’ và thế giới ‘hiểu biết’. Thế giới vật tự thân tác động hay làm nền cho thế giới hiện tượng đồng thời thế giới hiện tượng vẫn tuân thủ quy luật tự nhiên. Như thế nếu khẳng định mọi sự đều có nguyên nhân và đồng thời vẫn chấp nhận được có thêm một thế giới tự thân làm nền cho thế giới hiện tượng, thế thì cũng khẳng định được nơi con người một đằng mọi sự vẫn diễn ra theo quy luật tự nhiên một đàng con người vẫn có thế giới tự thân và được gọi là thế giới tự do của ý chí.
Tuy thế Kant đã tự mâu thuẫn chính mình khi ông khẳng định trong thế giới tự thân của con người có tự do vì lý thuyết của ông là con người không thể biết thế giới vật tự thân! Ông không thể biết được trong thế giới tự thân của con người có gì!
Ông nhận ra điều này và chuyển hướng khác trong cuốn Phê Bình Lý Trí Thực Hành. Ông nói không thể chứng minh ý chí tự do nhưng chỉ có thể thừa nhận kinh nghiệm đạo đức và từ kinh nghiệm này suy ra con người có ý chí tự do, tức thừa nhận có lòng tốt vô điều kiện, tức không lệ thuộc vào điều gì, từ đó suy ra con người có ý chí tự do.
5. Một vài nhận xét
Nếu chúng ta thừa nhận con người có tự do thì Kant đã thiết lập và chứng minh xong lý thuyết của mình. Kant ước mơ xây dựng một nguyên tắc đạo đức tối cao mang tính tuyệt đối, tách rời khỏi mọi nhiễu nhương của cảm tính, hoàn cảnh, và lợi danh, một nguyên tắc phù hợp với cách ông hiểu về ‘ơn gọi’ của con người đó là việc làm chủ của ý chí trên cảm xúc và bản năng. Ông hướng tới một thế giới của “thiên thần”, nơi mọi sự đều diễn ra cách tuyệt đối như luật tự nhiên, vì khi đó ý chí của con người không còn bị chi phối bởi các khuynh hướng cảm tính khác nhau. Không phải ông chối bỏ tình cảm, nhưng ông cho rằng, xét cho cùng, ý chí và lý trí phải có tiếng nói sau cùng.
Có nhiều người hiểu sai về “bổn phận”, họ hiểu bổn phận như là điều áp đặt từ bên ngoài. Nếu hiểu theo nghĩa này, Kant là người cực lực phản đối mọi bổn phận, mọi luật lệ. Kant nói con người phải làm luật cho chính mình. Mọi người phải tự mình xác đinh mục đích cho cuộc đời dựa trên nguyên tắc luân lý: đó là tuân theo tính phổ phát và đối xử với mọi người như là đích đến.
Điểm yếu trong lý thuyết của Kant đó là ông coi nhẹ vai trò của các nhân đức cũng như vai trò của tình cảm nơi con người. Ông coi lý trí con người là điều quan trọng, và thiếu đề cập đến vai trò của tình cảm. Nếu ai đó nói đích đến của đời sống là tình yêu Kant sẽ không thể hiểu và không đồng ý.

 

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

EM ĐỪNG BUỒN

Trần Đình Bích

EM ĐỪNG BUỒN
(Nói hộ bác Hoàng Hải Yến)

Em đừng buồn vì cô ấy thương anh
Bởi trước khi của em, anh đã thuộc về người con gái đó
Anh như cánh chim khát bầu trời lộng gió
Một sớm mai kia cất tiếng gáy cúc cù !
Em chớ buồn vì anh thi thoảng làm thơ
Bởi thơ dân Ai Ti thì cũng chỉ vừa vừa rau muống
Đừng hoài nghi nếu một chiều thấy anh luống cuống
Rơi chuột khỏi tay khi commen ảnh của một người !
Em đừng giận hờn nếu một sớm mai nào
Anh tỉnh giấc mơ âm thầm về cô ấy
Dù nhớ người đến đâu thì anh của em vẫn vậy
Vẫn chăm sóc em và tụi nhỏ hằng ngày !
Đôi khi trong cuộc đời anh cũng có chút cô đơn
Cũng có lúc trong vòng tay em anh gọi nhầm tên người con gái khác
Nhưng anh thề đó chỉ là thoáng qua, anh thề, đó chỉ là chốc lát
Bởi dẫu anh Refresh bao nhiêu lần thì quyền Delete vẫn thuộc về em !

THƯ NHÀ


Trần Đình Bích 
THƯ NHÀ
Cha: "...Mi bận lắm khôông con
Về giúp cha mấy bựa
Roọng gin vởi roọng ngái
Cha một chắc nỏ xoong
Mệ mi, rắn cạp noong
Đớp cấy chân chưa khọi
Chị mi hấn quá tội
Bên nhà nhông ít ngài
Tau một chắc một đài
Nghị cạ đêm nỏ hết
Nghị cạ ngày nọ hết
Gắt mần răng cho kịp
Mấy mậu roọng con ơi
Tau cụng yếu chân rồi
Cấy tay giừ đạ mọi
Tau nghe mệ mi nói
Mi hoọc cụng sắp xoong
Mấy bựa nắng như oong
Trôốc cha đau đến khiếp
Lưng hần đau đến khiếp"
Con: "...Cha ơi cha, con hoọc
Ôn thi cụng đạ xoong
Sáng mai thi một noong
Chiều mai là thi hết
Đến túi con ra bến
Bắt cấy xe về ngay
Sáng bựa mốt vừa hay
Xe kịp về cựa ngọ
Roọng gin với roọng ngái
Cha để đó cho con
Mấy đứa bạn lớp bên
Hấn về mần tình nguyện
Cha nhốt trước con lợn
Cặp néch với bầy ga
roọng gin vởi roọng xa
Bọn con mần xoong hết...".
......................................................

Tại sao Vĩnh Phúc xây Văn miếu?


Tại sao Vĩnh Phúc xây Văn miếu? Tại sao phải thờ Khổng tử?
Vĩnh Phúc bỏ cả đống tiền xây Văn Miếu, và có thể sau này thờ cả bài vị Khổng tử. Tại sao phải thế? Văn hóa Khổng giáo đại biểu của thời đại phong kiến đã qua. Thời đại ấy thờ vua, thờ quan, thờ kẻ "quân tử" ngồi trên đầu và ị trên cổ dân đen "tiểu nhân" lao động. Nay, nước mình hội nhập thế giới văn minh, đã vào thời đại khác từ lâu, dân làm chủ từ lâu, sao phải bỏ cả đống tiền, đất đai để xây dựng Văn miếu thờ phụng một hình tượng đại diện cho văn hóa phong kiến? Dân còn nghèo mà, nước đã giàu đâu? Vĩnh Phúc còn nhiều xã nghèo, còn nhiều hộ đói, chạy ăn từng bữa mà. Còn nhiều ngôi trường tiểu học xuống cấp, nhiều con đường sình lầy, lương của các thầy cô giáo ở cái xứ Vĩnh Phúc này còn chưa đủ trang trải đàng hoàng cho đời sống hằng ngày mà. Sao thế các bác Vĩnh Phúc ơi?

KHOE GIÀY

TĐB

KHOE GIÀY

Từ sáng cưới đôi giày
Thấy lợn ăn hỏi qua
Chạm ngõ gì to thế
Gớm, lại mặt rồi a !
Thương màu trắng
Yêu màu tím
 Bồ kết màu hường
Tìm bạn cùng....cảnh ngộ !!!




Hoàng hôn ở Hồ Gươm 
                                                               Photo: TĐB