Subscribe:

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Trần Đình Bích - ĐÃ CHƠI LÀ PHẢI CHƠI HÀNG THẬT !!!


Trần Đình Bích

ĐÃ CHƠI LÀ PHẢI CHƠI HÀNG THẬT !!!
Các cụ đưa Thơ vào hàng "tứ khoái" tuyệt đỉnh của mọi thời đại: Cầm - Kỳ - Thi - Hoạ. Ở cái thời mà game chưa ra đời và tuyệt đại bộ phận lương dân quần quật suốt ngày còn sợ "ngày ba tháng tám" thì các cụ có chữ nói cái gì cũng thành kinh điển cả, tứ khoái của các cụ cũng thế thôi.
Tôi đọc thơ từ bé, thích thơ từ thủa lên mười, hồi còn chưa mặc quần chíp, thề đấy. Bài thơ đầu tiên làm tôi khóc rưng rức là bài Bác ơi của cụ Tố. Hẳn là thuở bé yêu hình tượng Bác, cộng thêm tài thơ của cụ Tố cũng tuyệt đỉnh tâm hồn nên tôi bật khóc, cũng có phần là tôi nhập hồn tôi vào thơ của cụ nên mới thế. Sẵn đà thích, tôi tìm đọc một lèo đâu hơn năm trăm bài của cụ, ngấu nghiến.
Rồi tôi tìm đọc các nhà khác, chủ yếu là thơ kiểu cũ. Liệt kê ra thì đủ mặt tài thơ lẫy lừng một thời được SGK giới thiệu. Ám ảnh tôi nhất là thơ của cụ Bính. Chắc tại tạng tôi hợp thơ cụ nên yêu. Không ít lần lệ rơi trên thơ của cụ rồi ấy chứ. 
Nhớn tý nữa thì va phải thơ Tây, rồi thơ tự do. Đột nhiên hẫng. Tôi chẳng thể nào nhập vào cho được kiểu thơ bỏ vần bỏ luật, câu từ rơi bồm bộp, ý tứ sâu xa kỳ bí của các tác giả "mới". Thế là tôi phát hiện ra thằng mình đích thị là con người của xưa cũ, của luật lệ, của màu sắc cổ điển, gam trầm...Hoặc là cái cao siêu của thơ tự do làm tôi không nhập hồn vô cho được. Đại khái thế.
Thế rồi tôi tập toẹ làm thơ. A phải rồi. Yêu là phải chơi, chơi gì thì cần nhiều tiền bạc chứ chơi thơ thì không, nó hợp tuyệt đối với thằng rất ít khi có tiền như tôi. Tôi thử làm đủ kiểu thơ cách cũ, từ đường luật đến lục bát, thậm chí có bài làm kiểu tự do. Chơi mà, lo gì ai chê. Đến giờ tôi rút ra cả đống kinh nghiệm đau thương riêng, nhưng tựu chung lại, thơ là phải thật, nghĩa là xúc cảm thật, là phải hoặc từ đau đớn của thân xác tâm hồn mình, hoặc từ đau đớn thân xác tâm hồn người nhưng làm mình đau lây, hoặc từ niềm hứng thú thầm kín mà mình yêu mến rồi nẩy ý tứ ra...Tuyệt đối không thể vay mượn cái buồn bã của người, giả vờ cái vui thú của đời, vẽ vời cái tiêu dao giả tạo trống rỗng ảo tưởng được. Không thể được. Nó đếch phải của mình, nó không thật, nó đểu, nó rác rưởi bẩn thỉu vô lý vô tình lắm. 
Lại nói thêm, gì chứ chơi thơ là phải bỏ cái hư danh đi thì mới chơi được. Làm một bài mà giống thơ của người khác đến mươi phần là vứt, còn giống đến mấy chục phần, rồi đem cái của ấy đi cầu danh trong thiên hạ thì là hỏng quá mất rồi. 
Mấy ngày nay làng thơ Việt tủi nhục vì cái sự giống nhau quá thể đáng của hai bài thơ của hai nữ sĩ abc và nữ sĩ xyz thuộc Hội Nhà văn VN. Bài thơ ấy của ai thì chưa đáng đau bằng cái lý ở đời bị khinh thị: chơi gì cũng vậy, không chơi thì thôi, đã chơi là phải chơi hàng thật nó mới phải cái đạo chơi, nhất là CHƠI THƠ, các bác nhỉ ?